Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Blog của tui

Muốn viết blog mà không làm được.
Thời gian không nhiều, mà tính mình hay ủy mị. Sa vào là dòng cảm xúc không dừng lại được, trong khi còn nhiều việc khác cứ thúc bên hông.
Nhiều lúc có những bài viết hay nhưng không phải là cái mình đang cần nghiên cứu cho công việc, cho chuyện học hành nên đành lướt qua rồi để vào đây... Đặng có lúc đọc. Những thông tin trên mạng này là vô cùng, cũng rất thú vị, nhưng cũng đến, cũng lan tỏa, rồi chợt biến mất...
Ai rồi cũng tìm về con người thật của mình, dù muốn hay không.
Blog là chốn đi về của nhiều người, để về với mình, để được thấy mình vẫn nguyên sơ.

Trên Blog,  người ta...
Có lúc muốn thổ lộ, chia sẻ.
Có lúc muốn co mình lại, như con sâu làm tổ, chẳng muốn ai nhìn thấy mình.
Lặng lẽ!
Cô đơn!
Blog cũng là ngôi nhà chung, của những người bạn, để được tán gẫu, tiệc tùng cùng những cung bậc xúc cảm, bằng ngôn từ.
Để tìm thấy sự đồng điệu,
Để thấy ai đó cũng lẻ loi như mình,
Để hiểu rằng, cuộc sống là vậy! Vui buồn là không của riêng ai!


Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Đi tìm doanh nhân "ẩn" trong bạn



Đối với mỗi câu thành ngữ, luôn có những câu thành ngữ khác có ý nghĩa tương đồng hoặc đối lập với nó. Làm thế nào mà chúng ta có thể hòa hợp hai câu thành ngữ: "Thả mồi bắt bóng" với "Không thử sao biết có được hay không" hay cặp thành ngữ "Cẩn tắc vô ưu" với "Việc gì đến sẽ phải đến".
Nếu cuộc sống con người như một cuốn sách hướng dẫn thì cuốn sách đó sẽ cực kì mâu thuẫn và khó hiểu, và doanh nhân là những người cảm nhận thấy sự căng thẳng đó hơn ai hết. Họ thường xuyên làm việc thâu đêm với những ám ảnh về sự phá sản, thất bại một cách bẽ bàng luôn nhảy nhót trong đầu.

Sự tin tưởng mà các nhà đầu tư dành cho họ đã biến thành áp lực vô hình đè nặng lên vai mà hầu hết mọi người không thể tưởng tượng nổi. Những nhà doanh nghiệp lao vào sự mơ hồ, hoang mang, lo lắng và tự vấn bản thân - về danh tiếng của, về sự an toàn, về con cái họ, và thậm chí là hình ảnh của họ trong mắt con em mình - một khi họ không còn đủ sáng suốt để vượt qua khó khăn mặc dù có nắm trong tay những điều kiện thuận lợi nhất định.
Lưu ý cho những doanh nhân: Khi trong bạn thường xuyên xuất hiện những ý nghĩ về sự sụp đổ và bạn thường phải vượt qua những ước muốn từ bỏ để hướng tới một con đường khác an toàn hơn. Tất cả điều đó chỉ để khẳng định lại rằng bạn là một doanh nhân. Đây là trạng thái hoàn toàn bình thường. Bạn đang cảm nhận một cách chính xác những gì mà các doanh nhân đi trước đã cảm nhận.
Khái niệm cho rằng chấp mạo hiểm trở thành người chiến thắng sau cùng chắc sẽ không làm chúng ta ngạc nhiên.
Nhưng có lẽ, không chỉ doanh nhân là người luôn ở trong hoàn cảnh nguy hiểm. Helen Keller đã có một câu nói sâu sắc nhất mà tôi từng đọc: "An toàn chủ yếu là sự mê tín. Nó bản chất không tồn tại, kể cả đối với những hậu bối kinh nghiệm nhất. Trốn tránh hiểm nguy cũng sẽ không an toàn hơn khi đối mặt với nó. Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu, hoặc chẳng là gì cả".
Trong lịch sử, chúng ta đã liên kết từ doanh nghiệp với các lĩnh vực sinh lợi nhuận , thị trường và chủ nghĩa tư bản. Ngay cả khái niệm của chúng ta về đầu tư xã hội đôi khi cũng bị hiểu nhầm như vậy. Nhưng trong thực tế, không phải ai làm trong lĩnh vực sinh lời đều là nhà đầu tư. Đầu tư là một phạm trù hoàn toàn độc lập. Các nhà đầu tư là một nhóm tách biệt.
Đây là một điều cốt yếu mà các doanh nhân cần biết, khi bạn bước vào ngân hàng Wells Fargo, hay thậm chí là Nike với ý tưởng về quan hệ đối tác và mong muốn gặp được những người có cùng quan điểm. Nhưng nói chung, điều đó không thường xảy ra. Bạn theo đuổi ước mơ của mình và bạn đánh giá mọi thứ thông qua góc nhìn của tiềm năng. Nhưng những đối tác của bạn lại theo đuổi sự an toàn trong công việc và đánh giá bạn thông qua góc nhìn của trách nhiệm.
Điều đó đưa chúng ta quay trở lại với Helen Keller. Câu phát biểu của bà có thể áp dụng cho cả công ty hay từng cá nhân riêng lẻ. Bởi cuộc sống luôn đầy những bất ngờ. Đó là lí do một hãng sản xuất xe máy nhỏ như Honda có thể đầu tư vào ngành sản xuất ôtô cỡ nhỏ và lật đổ General Motors, đó là một lĩnh vực mới lạ và là một cú đặt cược mạo hiểm của hãng. Đó là lí do mà hãng Virgin có thể cải tổ lại ngành công nghiệp máy bay cũng như kinh doanh bán lẻ âm nhạc, và tại sao, Apple lại có thể biến kho lưu trữ âm nhạc của Virgin trở thành quá khứ.
Đôi khi, ý chí của những người sáng tạo ra ngành kinh doanh này bị mất đi vì bởi những người cho rằng tất cả công việc của họ lúc này là đảm bảo sự ổn định của doanh nghiệp, của bản thân thay vì luôn sáng tạo, làm mới doanh nghiệp cũng như bản thân họ.

Khái niệm cho rằng chấp mạo hiểm trở thành người chiến thắng sau cùng chắc sẽ không làm chúng ta ngạc nhiên. Vì đó là quy luật chung. Nhưng thực tế thì có, chủ yếu bởi thị trường vốn khổng lồ đã tạo ra ảo giác về sự ổn định, nếu các công ty không đổi mới thì trong tương lai, họ sẽ rất dễ bị tác động.
Một động lực tương tự cũng đang diễn ra trong thế giới phi lợi nhuận, ngoại trừ thị trường vốn khổng lồ. Có những giảng viên kinh doanh có những ý tưởng đúng đắn và can đảm nó sẽ tạo ra cuộc cách mạng ngành giáo dục cho hàng triệu trẻ em. Những giám đốc phát triển kinh doanh phi lợi nhuận sẵn sàng đối mặt với những chỉ tiêu về đạo đức, cơ cấu quyền lực ngay trong chính tổ chức của họ để huy động vốn trong tất cả lĩnh vực và chỉ ra một định nghĩa mới về "quy mô".
Chúng ta cần phải thay đổi suy nghĩ của chúng ta về sự an toàn. Những mối nguy hại không phải ở nơi mà chúng ta nghĩ. Nó cũng không phải là trở thành doanh nhân. Nếu bạn không tạo ra tương lai, thì sẽ có người khác làm chuyện đó, họ sẽ thay đổi bộ mặt của thế giới như bạn đã biết. Nhưng đó chưa phải là mối nguy hiểm lớn nhất.
Mối nguy hiểm lớn nhất đến từ sau thẳm trong cuộc sống của chúng ta và cảm giác như mình không tồn tại. Hiểm nguy chính là cuộc sống. Nếu không có nó, sẽ không có cuộc sống. Chúng ta phải sẵn sàng rơi vào mối hiểm nguy của thất bại để nhận ra rằng chúng ta đang sống. Và khi chúng ta sống một cách thật sự, chúng ta có trong tay cơ hội để thay đổi cả thế giới này.
Dan Pallota trên Harvard Business Publishing
Quốc Dũng Tuanvietnam dịch

Lãnh đạo là nữ - Bạn cần gì?



1. Lịch sự
Tuân thủ các phép tắc xã giao và nghi thức ngoại giao trong kinh doanh là một việc làm thiết yếu. Bởi khi bạn thực hiện những nghi thức đó, khách hàng dễ nhận thấy tính chuyên nghiệp ở bạn, đây chính là yếu tố tạo nên lòng tin ở họ. Khi giao tiếp với khách hàng, hãy tận dụng tối đa các từ “vui lòng” và “cảm ơn”. Như vậy bạn sẽ giành được sự tín nhiệm và tôn trọng từ phía khách hàng chỉ với một vài cụm từ đơn giản nhưng có sắc thái  biểu cảm sự nhã nhặn, lịch sự rất cao.
Một điều cần chú ý, hãy tránh những lời nói hớ trong phép tắc xã giao kinh doanh như buông những lời tục tĩu, hay sử dụng quá nhiều tiếng lóng. Ngạn ngữ có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” xem ra vẫn rất có ý nghĩa đối với nữ doanh nhân. Bản chất là một người phụ nữ có sắc đẹp thôi chưa đủ, mà ngoài ra chính cách cư xử - rộng hơn là cái đẹp bên trong con người họ là yếu tố quyết định lòng tin nơi khách hàng.

2. Lạc quan
Sự lạc quan thể hiện ở việc khuyến khích và xây dựng khách hàng của bạn. Ngoài ra lạc quan còn là ca ngợi, ủng hộ, có niềm tin vào việc kinh doanh của bạn. Bạn cần cho khách hàng biết chính xác về doanh nghiệp của bạn và tất cả những lý do cao cả để họ quyết định làm kinh doanh với bạn. Hãy đề cập đến những quyền lợi của họ khi làm việc với bạn và bạn có thể hỗ trợ khách hàng của bạn như thế nào. Hãy cố gắng chèn cụm từ “chúng ta” trong cuộc nói chuyện giữa bạn và khách hàng vì điều này có thể mang lại cho họ cảm giác giữa họ và bạn có chung một điều gì đó.
Hãy sử dụng những từ ngữ biểu hiện sự lạc quan, tránh dùng những từ mỉa mai, châm biếm và mang tính chỉ trích cay độc, nhạo báng nếu bạn không muốn bản thân bị “xếp xó” như một kẻ hay than vãn và chuyên gây rắc rối. Đối với việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể trong công việc cũng vậy, hãy xử sự sao cho trong sáng. Ví dụ, tránh lắc đầu tỏ vẻ không đồng ý khi bạn nói chấp thuận với khách hàng. Vì nếu kèm theo ngôn ngữ hành động này có thể dẫn đến khách hàng hiểu nhầm thông điệp của bạn. 

3. Ăn mặc đúng kiểu
Để đảm bảo sự thành công, tối thiểu bạn cần ăn mặc trang phục sao cho phù hợp với tính chất công việc. Quần áo, giầy dép, phụ kiện và trang điểm sao cho thích hợp với lĩnh vực bạn kinh doanh dù đó là buổi gặp gỡ công việc thường ngày hay buổi làm việc kinh doanh với tập đoàn lớn. Tóm lại, hình thức bên ngoài của bạn phải toát lên vẻ gì đó gây ấn tượng ban đầu.  
Hãy sử dụng giác quan phán đoán của bạn một cách tinh tế, hiệu quả. Khi người phụ nữ ăn mặc không phù hợp với buổi làm việc, ngay lập tức họ sẽ bị mọi người để ý, xì xào về cách ăn mặc của bạn. Ví dụ như, tóc cắt ngắn, quần soóc ngắn, giầy cao gót nhọn hoắt chắc chắn sẽ không hợp chút nào trong một buổi ký kết hợp đồng cho những vụ làm ăn lớn. Dù người bạn tiếp chuyện là nam hay nữ giới thì họ cũng không quan tâm nhiều đến bạn và có thể cư xử với bạn như một người lố lăng khêu gợi. 
Khi bạn ăn mặc theo phong cách thân thiện và mang dáng dấp của doanh nhân, bạn sẽ dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn. Một vẻ bề ngoài ưa nhìn cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự tự tin trong con người bạn. Hãy luôn đảm bảo rằng quần áo của bạn luôn sạch sẽ và thẳng nếp, vậy nên bạn hãy chọn những trang phục đồng màu, tránh những màu sắc rực rỡ, loè loẹt. Màu xanh da trời được coi là màu điển hình cho những người làm kinh doanh, không thể thiếu trong tủ quần áo của bạn. Bởi đó là màu sắc thể hiện sự tin tưởng trong kinh doanh. Màu nền tảng trong kinh doanh được đánh giá cao đó là bộ cánh màu xanh nước biển, đi kèm với quần tây hoặc váy. Xanh nước biển là màu biểu lộ sự ôn hoà. Đó là một kiểu trang phục thể hiện sự tin tưởng.

4. Kiên trì, kiên định
Nói điều gì và nói khi nào. Hãy suy nghĩ trước khi phát ngôn và đáp ứng đúng lúc. Điều quan trọng là chỉ hứa những điều bạn có thể thực hiện được. Nữ doanh nhân thành công nhất sẽ không từ bỏ lời hứa. Họ kiên nhẫn và bền bỉ thực hiện lời hứa, đôi khi đó là một sai lầm. Sự kiên trì là một ý tưởng không tồi để yêu cầu một điều gì đó lặp lại theo cách lịch sự và sáng tạo. Đôi khi bạn có thể sẽ phải yêu cầu một số lần trước khi bạn giành được sự chấp thuận trong kinh doanh.

5. Nhanh trí 
Thông minh, nhanh nhẹn trong công việc luôn đồng nghĩa với việc bám sát khách hàng của bạn. Bạn không biết đích xác khi nào bạn cần hợp tác kinh doanh trong tương lai, vậy nên hãy vun trồng mối quan hệ đó hơn là xao nhãng nguồn khách hàng đó.
Con đường dễ nhất để thực hiện điều này đó là sử dụng các danh thiếp, tài liệu trong máy tính hay đơn giản là một cuốn sổ ghi chép để giữ thông tin khách hàng như: họ thích hay không thích cái gì, tên con cái họ, sinh nhật của họ, vấn đề họ hay băn khoăn và những yếu tố liên quan khác sẽ giúp bạn tiếp tục công việc kinh doanh của mình tốt hơn. Hãy học và ghi nhớ quy tắc 80/20: tập trung 80% nỗ lực của bạn vào 20% khách hàng chiếm 80% lợi nhuận của bạn và vận dụng quy tắc này 24/7.
X.Chi
Theo All Business

Sự nhất quán trong lãnh đạo


Bạn đang nắm giữ những vị trí quan trọng nhất của công ty, mỗi quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng tới nhiều người khác nữa. Làm thế nào để tất cả những kỳ vọng của bạn trong công việc đều trở thành hiện thực? Làm thế nào để sự nghiệp của những nhân viên không bị mất phương hướng theo mỗi quyết định của bạn? Trên tất cả, người lãnh đạo cần có sự nhất quán cũng như quyết tâm trong hành động để đạt được mục tiêu cao nhất trong quản lý điều hành.

Chú trọng xây dựng hình ảnh bản thân
Hãy định hình phong cách lãnh đạo của mình ngay khi bắt đầu tham gia công việc. Tuy nhiên dù trong hoàn cảnh nào người lãnh đạo cũng cần có những phẩm chất sau: nhiệt tình, tỉnh táo, có tư duy chiến lược, thạo giao đãi và nắm được những điểm cơ bản nhất về chuyên môn. Điều kiện cần là vậy, điều kiện đủ chính là khả năng phản ứng linh hoạt trước những tình huống bất ngờ nảy sinh. Bình tĩnh và đưa ra những quyết định kịp thời ở những lúc “nước sôi lửa bỏng” là phẩm chất không thể thiếu cho một lãnh đạo lớn.
Luôn giữ một thái độ chuyên nghiệp công tư rõ ràng. Tất nhiên điều đó không có nghĩa là bạn phải giữ mặt lạnh hay đăm chiêu suốt 8 tiếng làm việc. Tuy nhiên cần tránh những cử chỉ quá thân thiết hay can thiệp riêng tư với cấp dưới.
Nổi cáu là điều tối kỵ nếu không muốn biến công sở thành chiến trường nơi mọi người tập trung bới lỗi mà quên đi làm việc.
Thực hiện quản lý công khai, cởi mở
Tất cả những tiêu chuẩn của công việc phải được minh bạch hóa. Khi công khai tất cả những tiêu chuẩn này, một mặt tạo động lực thúc đẩy mỗi cá nhân tự do sáng tạo, đổi mới bản thân nhằm đạt năng suất cao nhất, mặt khác sẽ thuận lợi trong việc đánh, giá quản lý nhân viên.
Thu nhận các sáng kiến là cũng là một phương pháp quan trọng trong việc tái định hướng. Rất nhiều công sở có hòm thư góp ý nhưng nặng về hình thức sẽ khiến cho những nhân viên coi đây là trò đùa, không những không đóng góp ý tưởng mà còn làm các nhân viên khác cũng nhụt chí, không muốn có ý kiến.
Người lãnh đạo cần mở rộng kênh giao tiếp trực tiếp với các thành viên của cơ quan ở tất cả các vị trí. Khi thu thập các ý kiến khác nhau cũng cần dành thời gian phân tích, chọn lọc, công bố những sáng kiến được sử dụng.

Luôn giao nhiệm vụ bằng văn bản
Bạn chỉ muốn nói “thế đấy, anh làm đi” và trông chờ cấp dưới của bạn thực hiện tốt nhất những mục tiêu đặt ra. Đừng viển vông như vậy bởi một môi trường làm việc chuyên nghiệp không chấp nhận các thông điệp truyền miệng. Người được giao niệm vụ sẽ thấy mình không được tôn trọng và thừa nhận đúng mức bởi nếu có sai sót, rất có thể bị đổ vấy trách nhiệm mà nếu thuận lợi cũng không có bằng chứng lập công.
Hãy thể hiện sự tin tưởng của bạn dành cho nhân viên với những chỉ thị rõ ràng trên văn bản. Nhà lãnh đạo cũng cần chịu trách nhiệm với tất cả những phát ngôn của mình.
Thay đổi cần thời gian
Đừng bao giờ đưa ra những quyết định cải tổ đột ngột đến nỗi những người cộng sự của bạn cũng phải ngỡ ngàng. Tất cả mọi việc nên tiến hành tuần tự và có những mốc thời gian nhất định cho tất cả những biến đổi ở các khâu.
Điều này cho thấy mỗi khi cần thay đổi, người lãnh đạo phải đặt mình vào những vị trí khác nhau của nhân viên. Khi hiểu được những khó khăn áp lực của mỗi vị trí sẽ bố trí thời gian hợp lý và nhân sự tương ứng.
Thay đổi cần lý do
Phải có lý do chính đáng cho bất kỳ sự thay đổi nào. Điều này nhắc nhở người lãnh đạo khi đưa ra chương trình hành động nào cũng cần cân nhắc một cách toàn diện những mặt lợi, hại, triển vọng phát triển, phương án dự phòng. Chỉ khi xét đến các mặt như vậy, người lãnh đạo mới thực sự tìm ra giải pháp cải thiện tình trạng hiện tại.
Nếu lý do bạn đưa ra để thay đổi không thể thuyết phục mọi người thì chắc chắn nó cần phải được làm lại. Hãy bắt đầu vạch kế hoạch lần hai với những người đã đưa ra ý kiến phản biện sắc bén nhất.  
Luôn hướng tới thành công chung của doanh nghiệp
Điểm mấu chốt trong tư tưởng hành động của mỗi nhà lãnh đạo chính là khao khát mang lại lợi ích cho công ty chứ không chỉ là để gây dựng danh tiếng cho bản thân mình. Đó là mục tiêu lợi nhuận chung và cũng là mục đích thể hiện năng lực cá nhân của người cầm lái.
Lãnh đạo cần ý thức rõ ràng quyền lợi của mình cần gắn với quyền lợi của công ty. Hiện nay việc khan hiếm quản lý cấp cao đã khiến cho nhiều nhà lãnh đạo phải đánh trên nhiều mặt trận, vừa điều hành vừa cố vấn cho nhiều doanh nghiệp. Về ngắn hạn hay lâu dài, tình trạng này cần thay đổi để người lãnh đạo tập trung hơn trong lĩnh vực của mình. Chỉ khi người lãnh đạo gắn bó máu thịt và toàn tâm toàn ý với sự phát triển của công ty mới tạo nên sức mạnh nhất quán, một trong những yếu tố sống còn của doanh nghiệp.
Theo zs.txooo.com

3 bài học của cựu CEO Thomson Reuters


1. Phải có một chiến lược "hoàn toàn đúng đắn" - bạn phải biết mình đang đi đâu, khả năng định hướng đúng chính là chìa khoá thành công. (Kế hoạch phải có thời gian cụ thể; thu thập ý kiến chuyên môn, ý kiến khách hàng để điều chỉnh nếu có và nhớ là khi có một chiến lược, bạn phải "yêu thích nó").
2.Phải tập trung cao độ và thực hiện nghiêm túc chiến lược bằng cách thúc đẩy và sắp xếp nguồn nhân lực mình có trong tay.
Vậy đâu là cách tốt nhất để tập hợp các nguồn lực và truyền sức mạnh? 
+Cần tiếp xúc với điều mà bản thân đang cố gắng đạt được. Và bạn cần phải biết các thành viên trong nhóm ai là người sẽ biến nó thành sự thật và ai là người ngăn cản điều đó xảy ra. Điều quan trọng là cần phải có thời gian với họ để họ có cơ hội để trao đổi và tranh luận về những gì còn đang gây tranh cãi. Đồng thời, bạn phải đưa ra quy tắc trong một số trường hợp và nói rằng "Ok, chúng ta có năng lực của mọi người. Đây là năm điều quan trọng nhất mà chúng ta cần phải thực hiện và chúng ta chỉ tập trung chỉ vào những điều đó thôi". Bạn cần 4-5 người chủ chốt, có lẽ ở các tổ chức lớn cần 10-15 người, chung sức gánh vác để có thể hoàn thành mọi thứ theo đúng thời hạn.
Khi nghĩ đến việc thực hiện một chiến lược, bạn cũng cần có các thước đo hành động đang thực hiện mọi thứ như thế nào. Nhưng nên đơn giản hóa chúng để mọi người dễ dàng nhận ra nếu họ thành côngđiều chỉnh nếu cần thiết. Đó chính là chìa khoá, giới hạn hoặc thước đo hành động mà một công ty sử dụng, đơn giản và thường xuyên cập nhật để các thành viên chủ chốt trong nhóm không đi lệch hướng và có căn cứ xác định kết quả công việc dựa trên hành động của chính mình.
Hầu hết các công ty không trao đổi nội bộ với nhau về các thước đo một cách thường xuyên, hoặc nếu có họ thường đo lường quá nhiều thứ, hoặc thậm chí tồi tệ hơn, đo lường cả những điều sai lầm.
3.Chiến lược đó luôn đứng về phía khách hàng và sự thật là bạn luôn cố gắng tìm hiểu khách hàng và xoay mọi thứ về hướng đó.
Hãy tìm 10 khách hàng thông thái nhất và nói chuyện với họ; ai là người có thể thực sự cung cấp cho bạn các thông tin giá trị. Chỉ cần dành thời gian hỏi họ khoảng 10-15 câu hỏi để biết họ sử dụng sản phẩm thế nào và điều gì bạn có thể làm để đem lại sự thoải mái hơn cho cuộc sống của họ. Từ những câu hỏi này bạn có thể suy ra 15-20 câu hỏi khác. Những thông tin sẽ có ích khi xem xét các phương pháp khác được thiết kế để đem lại những phản hồi cụ thể hơn.