Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Giám đốc tài chính

GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH TRONG QÚA TRÌNH
TÁI CẤU TRÚC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
PGS. TS. Trần Ngọc Thơ



Giám đốc tài chính là ai ?


Chúng ta hãy bắt đầu vấn đề với việc xem xét một công ty như công ty đa quốc gia chẳng hạn, giám đốc tài chính của công ty phải luôn đứng trước các vấn đề tài chính hàng ngày phải giải quyết. Bắt đầu bằng việc nên mua sắm nguyên vật liệu như thế nào, trả lương, …và hàng loạt các công việc liên quan đến các khoản chi tiêu mang tính ngắn hạn khác. Nghề nghiệp càng tạo ra sức ép đòi hỏi giám đốc tài chính phải có tầm nhìn dài hạn hơn bằng việc đưa ra các quyết định đầu tư mua sắm vào các tài sản cố định như máy móc thiết bị…là các tài sản hữu hình và cao hơn nữa là các tài sản vô hình như thương hiệu. Tình huống xảy ra cũng tương tự như thế đối với ông chủ một cửa hàng bán sách tuy rằng ở một mức độ thấp hơn. Cả giám đốc tài chính và ông chủ cửa hàng đều phải đưa ra thật chính xác quyết định của mình về chính sách đầu tư.


Giám đốc tài chính ở công ty đa quốc gia lại tiếp tục đưa ra các quyết định xem cần thực hiện các khoản đầu tư trên bằng nguồn vốn huy động từ đâu, bằng lợi nhuận giữ lại, hay bằng cách phát hành cổ phần, hay là thông qua phương thức vay nợ. Ông chủ cửa hàng sách cũng phải quyết định xem có nên bỏ thêm vốn riêng của mình ra nữa hay không? Hay là nên huy động vốn thêm từ các bạn bè hoặc là phải vay nợ. Cả giám đốc tài chính lẫn ông chủ cửa hàng sách đều phải quyết định chính sách tài trợ như thế nào trong số các nguồn tài trợ nêu trên là có lợi nhất. Cuối cùng, cả ông giám đốc tài chính lẫn ông chủ cửa hàng đều phải suy nghĩ để đưa ra các quyết định về chính sách phân phối lợi nhuận.Trong trường hợp của giám đốc tài chính vấn đề đương nhiên phức tạp hơn nhiều, bởi quyết định giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư và chia cổ tức có ảnh hưởng rất lớn đến giá trị thị trường của các cổ phần của công ty và do đó ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của các cổ đông.


Nghề nghiệp của giám đốc tài chính tóm gọn lại trong việc chịu trách nhiệm đưa ra ba quyết định chủ yếu: quyết định về chính sách đầu tư, quyết định về chính sách tài trợ và quyết định về chính sách phân phối. Tiêu chuẩn chung để đưa ra chính xác các quyết định nêu trên chỉ tóm lược trong một bí mật duy nhất: đó là tiêu chuẩn giá trị, nghĩa là các quyết định đầu tư, quyết định tài trợ, quyết định về chính sách phân phối phải dẫn đến kết quả là làm tăng giá trị tài sản của cổ đông. Một giám đốc tài chính giỏi, được công ty trả lương cao là dựa trên tiêu chuẩn này. Giám đốc tài chính đúng chuẩn đòi hỏi phải có trình độ rất cao và phải am hiểu rất nhiều lĩnh vực từ tài chính, ngân hàng, kế toán, thuế… cho đến các vấn đề thuộc lĩnh vực vĩ mô và kinh tế toàn cầu như tài chính quốc tế để có khả năng đưa ra các dự báo hợp lý. Chắc hẳn mọi người còn nhớ sự kiện giám đốc tài chính của 2 công ty Enron và WorldCom đã làm lợi cho các cổ đông của mình như thế nào và cũng chính họ đã đưa 2 công ty này phá sản bằng những thủ đoạn gian lận tài chính ra sao. Nghề làm giám đốc tài chính ngày nay đòi hỏi tiêu chuẩn cao đến mức độ ngoài những tiêu chuẩn chuyên môn thuần tuý, thì hiện nay quốc hội Mỹ đang xem xét liệu có nên yêu cầu các giám đốc tài chính cần phải đạt thêm một bằng cấp về chuyên môn đạo đức nữa hay không trước khi được quyền hành nghề chính thức.




Chưa được chú trọng


Nghề giám đốc tài chính hiện nay ở nước ta vẫn chưa được xem trọng đúng mức. Trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, không có chức danh này mà thay vào đó là chức danh kế toán trưởng và công việc hầu như chỉ dừng lại ở vai trò kiểm soát viên của Nhà nước tại doanh nghiệp và hầu như chúng ta chưa có cơ chế nào để kế toán trưởng ra các quyết định làm tối đa hoá giá trị vốn của chủ sở hữu là nhà nước tại doanh nghiệp. Trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tình hình có khá hơn, nhiều doanh nghiệp lớn có hẳn chức danh giám đốc tài chính nhưng hầu như cũng chưa được đào tạo bài bản và thị trường tài chính ở nước ta chưa phát triển nên các giám đốc tài chính cũng chưa có điều kiện để phát huy hết khả năng của mình. Tuy nhiên với xu thế hội nhập tài chính ngày càng mạnh mẽ mà Chính phủ cam kết với các quốc gia trên thế giới và cùng với nó là sự phát triển năng động của thị trường tài chính với một danh mục bất tận các dịch vụ tài chính vừa đa dạng vừa phức tạp với các sản phẩm tài chính cao cấp thì nghề làm giám đốc tài chính trong tương lai không xa sẽ có cơ hội phát triển ở nước ta, và chính quá trình này đã đặt ra một nhu cầu khách quan cần phải triển khai chức danh giám đốc tài chính trong quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước ở nước ta hiện nay.
Trong quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước hiện nay, chúng ta có chủ trương hình thành các tổng công ty theo mô hình công ty mẹ công ty con và mục tiêu xa hơn là chuyển các tổng công ty này theo mô hình tập đoàn kinh tế. Với quy mô quá lớn như thế thì việc hình thành chức danh giám đốc tài chính tuân theo những thông lệ phổ biến trên thế giới tại các tổng công ty phải là một chủ đề chính mà các cơ quan chức năng cần phải đưa vào trong chương trình soạn thảo điều lệ mô hình tổng công ty theo mô hình công ty mẹ công ty con trình Chính phủ xem xét. Giám đốc tài chính phải là một nghề làm gia tăng giá trị công ty, nếu không đạt được mục tiêu này thì cũng như các ngành nghề khác họ phải bị mất việc (không phải mất chức). Nghề làm gia tăng giá trị này rộng và có chất lượng hơn nhiều so với chức vụ mà nhà nước giao cho các giám đốc chỉ với nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thành chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu như hiện nay. Đối với các doanh nghiệp nhà nước khác có quy mô lớn, Chính phủ cũng nên xem xét cho áp dụng chức danh giám đốc tài chính thay cho chức danh kế toán trưởng như hiện nay. Trong trường hợp này bộ phận kế toán, ngoài chức năng nhiệm vụ như hiện nay, sẽ trở thành một công cụ để giám đốc tài chính tiến hành đưa ra các quyết làm tối đa hoá giá trị phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.



Ví dụ minh họa


Chúng tôi xin đưa ra một số trường hợp xảy ra gần đây trên thị trường tài chính ở nước ta để minh hoạ về sự cần thiết cần phải có vai trò của các giám đốc tài chính tại các doanh nghiệp.
Trường hợp thứ nhất, Quỹ đầu tư phát triển đô thị TP.HCM phát hành trái phiếu đô thị huy động vốn với lãi suất khoảng 8,5%/năm bằng đồng Việt Nam. Có một số ý kiến của các chuyên gia kinh tế không đồng tình với phương thức phát hành này. Theo họ, thay vì vay vốn với lãi suất 8,5% bằng VND, Quỹ đầu tư phát triển đô thị có thể vay vốn bằng đô la với mức lãi suất của đô la Mỹ thấp ở mức kỷ lục trong 44 năm qua để tiết giảm phần chi phí sử dụng vốn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho TP.HCM. Phần rủi ro do tỷ giá đồng đô la tăng lên Quỹ đầu tư phát triển đô thị có thể phòng ngừa rủi ro thông qua các nghiệp vụ quyền chọn tiền tệ, các hợp đồng tiền tệ giao sau, các hợp đồng kỳ hạn, các nghiệp vụ Swap. Vấn đề đặt ra là mỗi phương thức đều có cái giá phải trả của nó, có mặt thuận lợi và bất lợi trong từng phương thức phòng ngừa rủi ro và huy động vốn. Chúng tôi không có ý định ủng hộ hoặc bác bỏ bất kỳ một phương thức nào trong số các phương thức trên, nhưng vấn đề đặt ra là liệu trước khi đưa ra phương án huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu đô thị với lãi suất 8,5%/năm bằng VND, các nhà chuyên môn đã có tính hết đến những phương án huy động vốn bằng các đồng ngoại tệ khác hết hợp với các công cụ phòng ngừa rủi ro mà các định chế tài chính ở Việt Nam đang cho triển khai hay không. Chẳng hạn như các quyền chọn tiền tệ của Eximbank VN, nếu không thì có lẽ Quỹ đầu tư phát triển đô thị đã không làm tròn chức năng của mình đối với Uy ban nhân dân TP.HCM. Vai trò này sẽ thuộc về chức năng của giám đốc tài chính tại Quỹ đầu tư phát triển đô thị, nhưng hiện nay Quỹ đầu tư phát triển đô thị lại không có các chuyên gia phụ trách nghề nghiệp này, gọi là giám đốc tài chính.


Trường hợp thứ hai, bản thân người viết đã từng trực tiếp huấn luyện nghiệp vụ quyền chọn tiền tệ cho các doanh nghiệp tại Eximbank VN. Kết thúc buổi tập huấn hầu hết các giám đốc doanh nghiệp đều không có nhận thức gì đáng kể về loại công cụ này. Bởi lẽ hầu hết trong số họ là những bậc thầy về kinh doanh, trong số đó có những chuyên gia lão luyện về kế toán, nhưng những kiến thức chuyên biệt này lại thuộc về những lĩnh vực phức tạp của tài chính ngân hàng. Chính do không nhận thức đầy đủ về những điểm độc đáo của công cụ phòng ngừa rủi ro nên cho đến nay hầu như rất ít các doanh nghiệp khai thác được tiện ích của những công cụ phòng ngừa rủi ro hiện đại này. Việc thiếu vắng giám đốc tài chính tại các doanh nghiệp này, rõ ràng là một trong những nguyên nhân đáng kể khiến cho các doanh nghiệp sử dụng vốn không hiệu quả và không bảo toàn được vốn. Thị trường tài chính Việt Nam cũng khó lòng phát triển cao nếu thiếu vằng những người am hiểu và được đào tạo bài bản về những lĩnh vực chuyên biệt này.




Kết luận


Hiện nay chúng ta đang trong quá trình tìm kiếm một cơ chế thích hợp để vừa bảo toàn phần vốn góp của nhà nước vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thuê giám đốc. Mặc dù đã được đề cập đến nhiều trong quá trình soạn thảo các văn bản pháp lý nhưng hình như chúng ta dường như vẫn còn rất e ngại và dị ứng với cơ chế giám đốc làm thuê tại các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ tài chính phức tạp như hiện nay thì nhất thiết phải thuê các giám đốc tài chính. Chỉ các giám đốc tài chính chuyên nghiệp mới có đủ kỹ năng sử dụng các công cụ tài chính phức tạp này trong việc đưa ra các quyết định làm tối đa hoá phần vốn chủ sở hữu nhà nước. Ban hành chức danh giám đốc tài chính, thuê giám đốc tài chính,do đó, phải là chủ trương chung của Chính phủ trong quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế




Tạp chí Phát Triển Kinh Tế số 157

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét