Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Chấp nhận vấp ngã

 "Cách đây khoảng 22 năm, khi lần đầu tiên tôi xem phim Rocky ( Rocky phần III), nó thực sự đã làm tôi bừng tỉnh trước thất bại ( sau khi tôi thi trượt một kì thi quan trọng) và cố gắng phấn đấu để trở thành một người thành công trong cuộc sống."
Ngày nay, sau 22 năm, tôi thấy mình thực sự bị ấn tượng bởi Sylvestor Stallone, diễn viên chính của loạt phim Rocky, và đặc biệt là bộ phim gần đây nhất, Rocky Balboa- phần 6. Trong bộ phim này, Rocky trên 60 tuổi và đã giã từ sự nghiệp quyền anh đầy danh vọng. Một ngày nọ, Rocky quyết định thoát khỏi sự nghỉ ngơi cố hữu thường ngày và quay trở lại sàn đấu. Ông ta cảm thấy khát khao chiến đấu bởi vì cảm xúc chế ngự bản thân ông. Lẽ dĩ nhiên, ông bị chỉ trích nặng nề và bị xem là trò cười khi đánh đấm với những đối thủ chỉ đáng tuổi con mình.
Con trai ông ấy ( một chuyên gia cao cấp  ở tuổi 30 ) hoàn toàn phản đối ý kiến của cha mình. Công việc của cậu ta chẳng thể thăng tiến và cậu đổ lỗi cho cha mình gây ảnh hưởng tới sự nghiệp của mình. Thậm chí bạn bè lấy cậu ra làm trò hề vì có một ông bố “kỳ lạ”.
Đây chính là điểm bắt đầu khi lão Rocky 60 tuổi, có một lần tâm sự thẳng thắn với cậu con trai của mình về việc làm thế nào để chấm dứt phàn nàn và hãy tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Rocky buồn bã nhớ lại lúc cậu con trai bé bỏng của mình còn lọt thỏm trong tay của ông.
Ông ấy nói rằng ông thấy ở con trai mình một tố chất hơn người và khi nó tự lập với cuộc đời mình, và nó đã làm rất tốt. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, nó đã thay đổi. Nó lạc hướng và bắt đầu chỉ trích mọi thứ cũng như những người xung quanh vì vận rủi mà nó phải gánh chịu. Rocky đã nói:
“ Con à, bố nghĩ rằng có một điều mà con nên nghe dù bố hiểu là con đã biết nó rồi. Thế giới này không chỉ toàn cầu vồng và nắng vàng đâu con. Trái lại, nó là một nơi rất dơ dáy, bẩn thỉu và bố không cần biết con mạnh mẽ thế nào, “nó” sẽ hạ gục con mãi mãi nếu con cho phép “nó”. Bố cũng như  con và bao người khác trên cuộc đời này, không thể cứng cỏi, dũng mãnh như cách mà cuộc đời “va đập” vào chúng ta đâu.
Nhưng con trai à, vấn đề không phải là con bị cuộc đời “đập” cho một cú đau đớn thế nào, mà vấn đề là ở con chịu được cú đánh đó tới mức nào, và tiếp tục chiến đấu như thế nào mà thôi! Quan trọng là lượng “đau đớn” mà con chịu đựng, và có thể tiếp tục phấn đấu. Đó là cách mà chiến thắng tạo ra đó con.
Vậy thì, nếu giờ con đã biết là mình đáng giá thế nào, vậy thì hãy xông lên và nhận lấy bất kì cái gì mà con nghĩ là mình xứng đáng đi. Tuy nhiên, con hãy nhớ chấp nhận đau thương mà cuộc sống mang lại, cũng như đừng chỉ tay sai khiến và chì chiết người khác.  Chỉ có thằng hèn mới làm điều đó và con thì không phải là kẻ hèn nhát mà. Con xứng đáng hơn thế!”
Bộ phim này có tác động rất mạnh tới tôi, cũng như những tập phim Rocky khác đã làm vì  sựđơn giản, nó phản ánh đúng những gì mà cuộc đời đối xử với tôi. “ Vấn đề không phải là bạn bị đau thế nào, vấn đề là ở chỗ bạn chịu đau tới mức nào và có tiếp tục phấn đấu hay không mà thôi”.
Tôi nghiệm ra một điều rằng, tôi đã từng gặp rất rất nhiều người giỏi giang, xuất chúng và may mắn hơn tôi. Thứ duy nhất khiến tôi thành công về sau này chính là khả năng chấp nhận “va chạm” từ lần này qua lần khác mà vẫn tiếp tục chiến đấu. Tôi không bao giờ bỏ cuộc. Mặc dù tôi cũng biết rất nhiều bạn bè của mình đã bị đánh gục và không bao giờ gượng lên nổi nữa.
Và họ chấp nhận từ bỏ ước mơ và sống một cuộc đời tầm thường.
Nhiều khi tôi có cảm giác mình bị cuộc đời “đánh đập tàn nhẫn” mà không cách nào gượng dậy nổi. Có những lúc tôi thấy đời sao mà bất công, ngang trái đến thế. Điều khiến tôi vẫn bền bỉ hành động là vì tôi biết rằng, mọi vấn đề dù tồi tệ đến đâu đều ẩn sau một giải pháp. Mọi khó khăn rồi sẽ trôi qua. Bình minh sẽ lại ló rạng sau những phút giây mù mịt nhất. Đấy chính là niềm tin cho phép tôi tiếp tục đứng lên.
  • Khi tôi bị đuổi khỏi trường năm 9 tuổi, tôi vẫn không lùi bước.
  • Khi ba mẹ tôi li hôn năm tôi 13 tuổi, tôi vẫn không lùi bước.
  • Khi “mối tình đầu” của tôi ruồng bỏ tôi trước kì thi quan trọng ( cả thảy là 3 lần nếu tính thêm 2 cô nữa), tôi vẫn không lùi bước.
  • Khi mọi người khinh thường tôi vì thành tích kém cỏi ở trường, tôi vẫn không lùi bước.
  • Khi công ty thiết kế nội thất của tôi phá sản ( làm tôi thiệt hại 250,000 SGD), tôi vẫn không lùi bước.
  • Khi 300 nghìn đô  “đội nón ra đi” trong đợt đầu tư chứng khoán lúc tôi còn là một tay mơ, tôi vẫn không lùi bước.
  • Khi cuốn sách đầu tiên của tôi, “ Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!” bị 9 nhà xuất bản từ chối, tôi vẫn không lùi bước.
  • Khi chỉ có duy nhất  1 người đăng kí vào khóa học Những mô thức thành công của tôi cách đây 7 năm rưỡi, mọi người đều nghĩ thế là cánh cửa thành công đã khép chặt với tôi, tôi vẫn không lùi bước.
  • Khi tôi bị mất hết mọi vốn liếng trong công ty tổ chức sự kiện vào tay một người bạn mà tôi đã từng rất tin tưởng, tôi vẫn không lùi bước.
Mỗi khi bạn nhìn thấy ai đó thành công, bạn sẽ dễ dàng nghĩ rằng họ ít gặp phải vấn đề và ít trở ngại hơn chúng ta. Đó có thể là sự tài năng, may mắn đã giúp họ lèo lái thành công qua quãng đời đầy khó nhọc đó một cách dễ dàng. Mọi thứ hình như đều theo những gì họ đã định sẵn.
Tôi có thể dám khẳng định với bạn một điều chắc chắn rằng, KHÔNG BAO GIỜ mọi thứ đều tuân theo kế hoạch của chúng ta. 80% kết quả đạt được và những kế hoạch chi tiết bạn định ra sẽ không bao giờ đi theo con đường mà bạn đã vẽ sẵn. Mọi thứ sẽ rối bời cả lên và chướng ngại vật xuất hiện để quật ngã bạn xuống. Đấy là một phần tất yếu của trò chơi- cuộc đời.
Bạn có nghe nói tới George Lucas, cha đẻ của loạt phim Star Wars chưa? Nhìn chung, có vẻ ông ta chưa phạm phải sai lầm gì đáng tiếc. Tài năng của ông ta đã tạo ra một trong những biểu tượng thành công nhất trên toàn thế giới, Star Wars và doanh thu hàng trăm triệu đô la.
Bạn có biết những thử thách đã xảy ra thế nào không? Khi Lucas có ý định tạo ra những hiệu ứng đặc biệt cho những màn đánh nhau hoành tráng, công nghệ hồi đó không đáp ứng nổi. Nhưng nó không thể ngăn nổi Lucas. Ông tự mình thành lập ra một công ty, Industrial Light & Magic để sáng tạo và thiết kế những kĩ xảo đặc biệt cần thiết cho khi làm Star Wars.
Nó có thành công không? Lúc đầu thì không. Trong quá trình sản xuất, mọi thứ cứ đi chệch hết đường này lại sang đường khác. Vào tuần thứ 16 của ngày bấm máy làm phim, ai cũng có lí do cho riêng mình về sự thất bại dễ hiểu của thứ kĩ xảo này.
Trang thiết bị thì hỏng lên hỏng xuống, các diễn viên thì không thể diễn tốt, mọi thứ lên phim đều trở nên tồi tệ và phải vứt bỏ toàn bộ. Bộ phim đã vượt quá cả ngân sách lúc ban đầu, vượt quá cả thời hạn dự định, bộ phận kĩ xảo đặc biệt thì bó tay vì không thể tạo ra hiệu ứng cần thiết. Mọi người đều cho rằng đang xây dựng một bộ phim quá viển vông.
Hệ quả tất yếu, 20th Century Fox Studios ( nhà sản xuất) muốn hủy bỏ bộ phim và sa thải Lucas. Sau khi George cầu xin một cơ hội để cứu bộ phim, họ cho ông 3 ngày để hoàn thành 2 tuần công việc đã mất. Quả là một nhiệm vụ không tưởng!
Mọi thứ càng tồi tệ hơn khi Lucas phải chịu một trận đau ngực khủng khiếp vào lúc “nước sôi lửa bỏng” và phải đưa vội vàng bệnh viện vì căng thẳng quá độ và kiệt sức. Đến đây thì mọi người đều cho rằng bộ phim sẽ thất bại .
Nhưng Lucas không nghĩ tới từ “bỏ cuộc”. Lucas thuê một nhóm làm phim, chia các cảnh thành 3 phần và đạo diễn chúng cùng một lúc! Chỉ trong 3 ngày, Lucas đã hoàn thành những thước phim quý giá và kết thúc phim vừa kịp lúc công chiếu. Phần còn lại hãy để lịch sử lên tiếng!
Tôi chắc rằng bạn đã nghe ít nhiều về tập đoàn Ô tô Honda, một trong những doanh nghiệp sản xuất ô tô thành công nhất ở Nhật Bản. Một lần nữa, chính ông chủ của Honda, Soichiro Honda – đã đóng góp vào thành công to lớn này. Honda có thể chịu đựng những cú ngã đau đớn nhưng vẫn tiếp tục đứng dậy và phấn đấu không ngừng nghỉ.
Năm 1938, khi Soichiro vẫn đang là sinh viên, ông bắt đầu một xưởng sản xuất nhỏ nghiên cứu về vòng piston, với ý định bán lại sản phẩm cho Toyota. Chàng thành niên trẻ tuổi làm việc 7 ngày một tuần, thậm chí ngủ lại ở xưởng. Khi tiền cứ cạn dần mà thành công thì chẳng xuất hiện, Soichiro đành cầm cố nốt số nữ trang của vợ mình để lấy vốn đầu tư.
Cuối cùng, ngày mà ông hoàn thành vòng piston để có thể bán lại cho Toyota đã đến. Đáng buồn thay, người ta nói với ông rằng vòng piston của ông không phù hợp với tiêu chuẩn của họ! Soichiro đành quay trở lại trường học trong 2 năm để cải tiến phát minh của mình, đồng thời chịu đựng sự chế giễu của các kĩ sư khi thấy bản thiết kế của ông.
Ông vẫn kiên quyết không bỏ cuộc. Thêm 2 năm nữa tiếp tục tranh đấu và cải tiến, ông đã thành công khi dành được hợp đồng với Toyota. Ông cần xây dựng một nhà máy để cung ứng sản phẩm cho Toyota. Rủi thay, số phận lại không mìm cười với ông. Thời điểm đó, chính phủ Nhật đang ráo riết chạy đua vũ trang và cần bê tông cho các công trình phòng thủ. Vì vậy, ông không có được số vật tư cần thiết cho việc xây dựng nhà máy của mình.
Vẫn không đầu hàng, ông đã phát minh ra một quy trình sản xuất bê tông giúp ông xây dựng được nhà máy. Khi nhà máy được xây xong, mọi chuyện xem chừng đã thuận lợi để ông có thể bắt tay vào sản xuất. Tuy nhiên, một lần nữa, vận ông lại gặp hạn. Nhà máy của ông bị máy bay Mĩ oanh kích 2 lần và sắt thép càng trở nên là vật “xa xỉ phẩm”.
Quyết không bỏ cuộc, ông thu lượm những can xăng thừa bị quân đội Mĩ bỏ lại –“ Món quà từ Tổng thống Truman”, ông đã gọi chúng như vậy. Xăng giờ trở thành thứ vật liệu mới giúp ông tái thiệt lại xưởng sản xuất của mình. Có lẽ, ông Trời muốn thử lửa lòng Soichiro. Một trận động đất xảy ra và nhà máy lần thứ 3 bị phá hủy.
Sau chiến tranh, sự thiếu thốn về xăng dầu đã buộc mọi người phải đi bộ hoặc sử dụng xe đạp. Soichiro nhận thấy cơ hội và chế tạo ra một động cơ nhỏ, gắn vào xe đạp của mình. Những người hàng xóm của ông cũng muốn một cái, nhưng mặc cho cố gắng, ông vẫn không thể có được vật liệu cần thiết cho việc sản xuất. Ông cũng chẳng đủ vốn liếng mà xây dựng thêm một cái nhà máy nữa để chế tạo “xe đạp gắn máy”.
Nhưng ông vẫn không bỏ cuộc. Ông viết thư cho 18.000 cửa hàng kinh doanh xe đạp và hỏi họ xem có thể ứng trước tiền ông xây dựng xưởng sản xuất của mình hay không. Đổi lại, họ sẽ được cung ứng những sản phẩm mới nhất về “xe đạp gắn máy”- xe máy. Không may, mẫu chế tạo đầu tiên quá nặng nề để hoạt động hiệu quả, vậy nên ông lại tiếp tục cải tiến và thay đổi. Cuối cùng, chiếc xe “Super Cub” cũng thành công và gây nên một cơn dư chấn thực sự ở Nhật. Thành công ở Nhật thôi thúc Honda xuất khẩu sản phẩm của mình sang các thị trường như châu Âu và châu Mĩ.
Đấy là câu chuyện về việc hình thành tập đoàn Honda. Liệu khó khăn đó có phải là khó khăn cuối cùng của Soichiro không? Không bạn à! Khi điều hành công ty, có vô số vấn đề tài chính mà ông phải đối mặt. Honda gần bên bờ vực phá sản tổng cộng 5 lần, chỉ cứu được ở phút chót nhờ xoay chuyển tài tình. Mỗi lần thất bại, Soichiro vẫn đứng lên, học hỏi từ thất bại và không lùi bước.
Ngày  nay, công ty Honda thuê hơn 100.000 nhân công khắp Mỹ và Nhật Bản, trở thành một trong số những công ty sản xuất xe hơi lớn nhất toàn cầu. Những thiết kế đột phá và chiến lược cạnh tranh tài tình đã giúp Honda vượt mặt hai “đại gia” là Triumph và Harley-Davidson  trên chính đất Mĩ.
Vậy thì, nếu bạn càng muốn trở nên thành công vang dội, thì bạn càng phải chấp nhận trả giá cho nó. Mọi thứ đều có cái giá của nó. Một chiếc Suzuki chỉ khoảng 30.000 đô nhưng Ferrari thì là 1 triệu đô (giá tại Singapore).
Thành công cũng có cái giá của nó. Cái giá phải trả có thể là sự từ chối hàng loạt, sự thất vọng và cả những khoản thời gian làm việc kiên trì và bền bỉ . Sẽ không bao giờ có thành quả nếu người ta nghĩ rằng thành công là thứ dễ dàng hay bởi vì họ không sẵn sàng trả “một cái giá” nào đó.
Trích http://www.adamkhoovietnam.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét